BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI TRONG TRƯỜNG HỢP VƯỢT QUÁ YÊU CẦU TÌNH THẾ CẤP THIẾT
Tương tự như trường hợp xảy ra thiệt hại do thực hiện vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì trong trường hợp vượt quá yêu cầu tình thế cấp thiết, người thực hiện hành vi phải bồi thường thiệt hại.
I. CĂN CỨ PHÁP LÝ
Bộ luật dân sự 2015 (BLDS)
Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 (BLHS)
II. TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI TRONG TRƯỜNG HỢP VƯỢT QUÁ YÊU CẦU TÌNH THẾ CẤP THIẾT
Theo quy định tại Điều 23 BLHS thì tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa. Tình thế cấp thiết là một sự kiện pháp lý phát sinh trong đời sống xã hội và trong một hoàn cảnh cụ thể buộc người có hành vi không thể cưỡng nổi đã gây ra thiệt hại để nhằm tránh hoặc hạn chế những thiệt hại cho bản thân, cho Nhà nước, tổ chức hoặc cho cá nhân khác. Hoàn cảnh gây thiệt hại của một người trong tình thế cấp thiết mà không vượt quá yêu cầu tình thế đó thì người gây thiệt hại không phải bồi thường thiệt hại. Hành vi của người buộc phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa thì không bị xem là hành vi trái pháp luật.
Dựa theo Điều 596 BLDS thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết được quy định như sau: “Trường hợp thiệt hại xảy ra do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết thì người gây thiệt hại phải bồi thường phần thiệt hại xảy ra do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết cho người bị thiệt hại. Người đã gây ra tình thế cấp thiết dẫn đến thiệt hại xảy ra thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại.”
Hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết phải thỏa mãn các điều kiện phù hợp với hoàn cảnh và tình thế cấp thiết đang tồn tại sau:
- Thứ nhất, nguy cơ đó đang tồn tại và là một áp lực thực tế, hiển nhiên không thể chống lại được.
- Thứ hai, nguy cơ tồn tại hiển nhiên đó đang thực tế đe dọa lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, quyền, lợi ích chính đáng của người thực hiện gây ra một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.
- Thứ ba, hành vi của người ngăn ngừa nguy cơ mà gây ra thiệt hại là hành vi hợp pháp có chủ đích.
- Cuối cùng, những lợi ích bị đe dọa được bảo vệ có giá trị tài sản lớn hơn những thiệt hại do người có chủ tâm ngăn ngừa gây ra.
Thỏa mãn những điều kiện trên thì có thể được xem xét là hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết, và người gây thiệt hại không phải bồi thường. Tuy nhiên, nếu thiệt hại xảy ra vượt quá giới hạn tình thế cấp thiết thì người gây thiệt hại vẫn phải bồi thường phần thiệt hại do vượt quá yêu cầu tình thế cấp thiết cho người bị thiệt hại.
Trong trường hợp người gây thiệt hại không phải bồi thường như trên thì trách nhiệm bồi thường sẽ được quy về người gây ra tình thế cấp thiết hoặc người thứ ba khác như: người sở hữu, người chiếm hữu, người sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ (Ví dụ phương tiện giao thông); bên bảo hiểm (Nếu có ký hợp đồng bảo hiểm và thiệt hại thuộc phạm vi bảo hiểm)…
III. LIÊN HỆ TƯ VẤN TRỰC TIẾP
Công ty Luật Hải Nguyễn với đội ngũ Luật sư uy tín và giàu kinh nghiệm, chuyên cung cấp các dịch vụ tư vấn pháp lý về CÔNG CHỨNG, ĐẤT ĐAI, DOANH NGHIỆP, SỞ HỮU TRÍ TUỆ,…
Mọi thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:
Công ty Luật Hải Nguyễn và Cộng sự
Hotline: 0973 509 636 (Ls. Hải ) & 0989422798 (Ls. An)
Email: lamchuphapluat@gmail.com
N.A