CHUNG SỐNG NHƯ VỢ CHỒNG TRÁI PHÁP LUẬT
Có thể hiểu, chung sống như vợ chồng trái pháp luật là việc hai người nam nữ chung sống, coi nhau như vợ chồng nhưng vi phạm những điều kiện mà pháp luật đã quy định. Cụ thể, nhằm bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình, tại khoản 2 Điều 5 Luật hôn nhân và gia đình 2014, nhà làm luật đã đưa ra các hành vi bị cấm, trong đó có:
“c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng”
Từ quy định trên đây, ta có thể phân chia ra các trường hợp chung sống như vợ chồng trái pháp luật, đó là:
+ Chung sống như vợ chồng khi mà một hoặc cả hai bên nam nữ đều đang có vợ, chồng.
+ Chung sống như vợ chồng giữa những người thân thích ( những người cùng dòng máu về trực hệ; những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng)
+ Chung sống như vợ chồng mà một trong hai bên, hoặc cả hai bên nam nữ đều chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định. Riêng ở trường hợp này, người viết đưa vào là một trường hợp chung sống như vợ chồng trái pháp luật bởi lẽ, dù Luật hôn nhân và gia đình không có quy định cụ thể, nhưng người viết cho rằng, nếu kết hôn khi một trong hai bên hoặc cả hai bên chưa đủ điều kiện về độ tuổi như pháp luật quy định là trái pháp luật, thì việc chung sống như vợ chồng khi một trong hai bên nam nữ hoặc cả hai chưa đủ tuổi thành niên, tuổi kết hôn cũng là trái pháp luật.
_LD_