Bồi thường khi tự ý nghỉ việc không báo trước

Câu hỏi:
Bạn 'Nguyễn Quốc Huy - Email: nguyenhuy.tlc88@gmail.com' hỏi:

Dạ ! Em chào luật sư ạ , em có 2 vấn đề nhờ đến luật sư tư vấn giúp dùm em với ạ .

1. Em có làm nhân viên bán hàng cho một công ty thực phẩm và có hợp đồng lao động thời hạn 12 tháng nhưng em mới làm được 3 thnags thì đã nghỉ việc và không có viết đơn xin nghỉ việc. Vậy trong em có phải bồi thường gì cho công ty trong trường hợp này không ạ?

2. Em bán hàng theo chỉ tiêu doanh số cho công ty dưới quyền quản lý trực tiếp của một khu vực, tại thời điểm nghỉ em đã bán đạt chỉ tiêu doanh số từ công ty giao cho cũng như chưa lãnh bất cứ khoản tiền nào từ công ty. Đến cuối tháng sau thì công ty chi trả tất cả các khoản tiền lương, tiền thưởng và tiền ký quỹ mà em đã đóng trước đó nhưng đã bị anh quản lý trực tiếp ký tên khống để nhận tất cả các khoản tiền của em và không có thông báo cho em.

Đến khi biết được em có trao đổi với anh quản lý thì được biết anh ta đã dùng khoản tiền lương cùng tiền ký quỹ trên để trả khoản nợ của em với nhà phân phối là đối tác của công ty; còn phần tiền thưởng thì anh ta chiếm dụng và không muốn trả lại.

Em có làm đơn khiếu nại lên công ty thì 2 ngày sau công ty phân công anh quản lý khu vực để chi trả các khoản tiền cho em nhưng anh quản lý lại không chịu chi trả cho em với nhiều lý do. Cụ thể trong thời gian làm việc có mấy tháng em làm rớt doanh số em nên có nhờ anh quản lý mượn doanh số bên anh em đồng nghiêp khác cho đạt chỉ tiêu có thưởng. Ngoài ra theo anh quản lý còn gửi cho em 1 bản thông báo về các khoản nợ  trong thời gian em làm với nội dung như sau:

Kính gửi Anh : Nguyễn Quốc Huy.

- Tháng 07/2016: Huy bắt đầu làm việc cùng tôi, được tôi phân công bán Bánh Gạo đầu tiên và sau đó tôi luân chuyển Huy qua bán Xúc Xích.

- Từ tháng 7 đến tháng 10/2016 Huy đã mượn tôi : 2.650.000 tiền mặt ( vấn đề này tôi có đủ sổ sách,số liệu lưu năm 2016 và nhân chứng để chứng minh ).

- Đến hết năm 2016 : Huy nghỉ không lý do( tức không báo tôi nghỉ viêc), không bàn giao công việc lại cho tôi, tôi đã phải bỏ tiền ra hơn 3.000.000 để mua lượng hàng hết date (vấn đề này tôi có đủ sổ sách,số liệu lưu 2016 và nhân chứng để chứng minh)

- Ngày 11/6/2018: Huy bắt đầu xin tôi làm việc lại. - Từ tháng 6 đến tháng 11/2018 : tôi đã cho Huy mượn hơn 100 triệu mua lượng hàng để báo đạt chỉ tiêu công việc, Huy đã nhận gần 20 triệu tiền thưởng( vấn đề này tôi có đầy đủ sổ sách,số liệu lưu 2018 và nhân chứng để chứng minh)

- Từ ngày 1/1/2019 đến ngày 1/6/2019: tôi cho Huy mượn tiền mua hàng để đạt chỉ tiêu và nhận tiền thưởng( vấn đề này tôi có đầy đủ sổ sách ,số liệu đang lưu 2019 và nhân chứng để chứng minh).

- Và từ tháng 7/2018 đến ngày 1/6/2019: tôi cho Huy mượn các khoản tiền: tiền phạt vì làm sai quy định của Miền Tây, tiền phạt vi phạm vì đi trễ, tiền phạt vì vi phạm nghỉ không báo, tiền ứng hàng nộp thiếu tiền npp, tính tiền hàng trên toa thiếu npp, tiền hàng hết date ...( vấn đề này tôi có đủ sổ sách, số liêu và nhân chứng để chứng minh).

=> Tóm tắt: Tôi cho Huy mượn tiền mặt ở các gạch đầu dòng phía trên,đề nghị Huy hoàn trả tiền mặt cho tôi. Tôi cho Huy mượn tiền mua hàng ở các gạch đầu dòng phía trên, đề nghị Huy giải quyết lượng hàng cho tôi, để tôi thu hồi tiền của tôi. Nếu Huy không giải quyết buộc lòng tôi phải nhờ địa phương nơi Huy đăng ký thường trú để xử lý.

Bản nội dung trên là của anh quản lý gửi cho em mà trên nội dung thì không đúng như thực tế bởi vì lúc các tháng em thiếu doanh số chỉ tiêu là được sự đồng ý của anh em đồng nghiệp khác cho doanh số để đạt thưởng mà không có dính líu doanh số gì từ anh quản lý trưc tiếp cả. Vậy em có vi phạm luật pháp gì không ạ? Em xin chân thành cảm ơn rất nhiều

Trả lời:

Luật Hải Nguyễn xin trân trọng gửi lời cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi ý kiến thắc mắc tới chúng tôi.

Liên quan đến các vấn đề bạn hỏi, chúng tôi xin trả lời theo từng vấn đề như sau:

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

- Bộ luật Lao động 2012;

- Nghị định 05/2015/NĐ-CP hướng dẫn luật Lao động;

- Nghị định 148/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 05/2015/NĐ-CP

II. NỘI DUNG TƯ VẤN CỦA LUẬT SƯ

Vấn đề 1: Trách nhiệm khi tự ý nghỉ việc không báo trước, chúng tôi xin giải đáp như sau:

Luật lao động 2012 có quy định các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động tại điều 36 và quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng của người lao động tại điều 37, cụ thể như sau:

Điều 36. Các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động

1. Hết hạn hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 192 của Bộ luật này.

2. Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.

3. Hai bên thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động.

4. Người lao động đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội và tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 187 của Bộ luật này.

5. Người lao động bị kết án tù giam, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án.

6. Người lao động chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết.

7. Người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết; người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động.

8. Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải theo quy định tại khoản 3 Điều 125 của Bộ luật này.

9. Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 37 của Bộ luật này.

10. Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật này; người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế hoặc do sáp nhập, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp, hợp tác xã.

Điều 37. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động

1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn trong những trường hợp sau đây:

a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;

b) Không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;

c) Bị ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động;

d) Bản thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động;

đ) Được bầu làm nhiệm vụ chuyên trách ở cơ quan dân cử hoặc được bổ nhiệm giữ chức vụ trong bộ máy nhà nước;

e) Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền;

g) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 90 ngày liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và một phần tư thời hạn hợp đồng đối với người làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa được hồi phục.

2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 1 Điều này, người lao động phải báo cho người sử dụng lao động biết trước:

a) Ít nhất 3 ngày làm việc đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và g khoản 1 Điều này;

b) Ít nhất 30 ngày nếu là hợp đồng lao động xác định thời hạn; ít nhất 03 ngày làm việc nếu là hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng đối với các trường hợp quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều này;

c) Đối với trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều này thời hạn báo trước cho người sử dụng lao động được thực hiện theo thời hạn quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.

3. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày, trừ trường hợp quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.

Theo như bạn cung cấp thông tin, giữa bạn và công ty có ký kết hợp đồng  với thời hạn 12 tháng nhưng bạn mới làm được 3 tháng thì đã nghỉ việc và không có viết đơn xin nghỉ việc, như vậy bạn không thuộc các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động được quy định tại điều 36, điều 37 luật Lao động. Mặt khác bạn cũng không đảm bảo thời hạn báo trước cho người sử dụng lao động biết. Chính vì vậy bạn đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, và phải thực hiện các nghĩa vụ được quy định tại Điều 43 luật Lao động:

1. Không được trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

2. Nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người sử dụng lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.

3. Phải hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 62 của Bộ luật này”

Căn cứ vào các quy định ở trên, có thể nhận thấy trong trường hợp này bạn phải bồi thường cho công ty:

- Nửa tháng tiền lương theo hợp đồng;

- Một khoản tiền ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động tại thời điểm bạn tự ý nghỉ việc trong những ngày không báo trước;

- Hoàn trả chi phí đào tạo cho công ty (nếu có)

Vấn đề 2: Do thông tin bạn cung cấp vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng, để có thể tư vấn đầy đủ, có hiệu quả cho bạn, bạn vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo Hotline của công ty Hoặc trực tiếp đến văn phòng tại địa chỉ: Phòng 12A Chung cư viện chiến lược khoa học Bộ Công an, đường Nguyễn chánh, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, HN để được chúng tôi hỗ trợ bạn.

Trên đây là ý kiến tư vấn của Luật Hải Nguyễn. Trân trọng!

Xem thêm mục hỏi đáp

  • Tranh chấp di sản thừa kế
  • Tranh chấp di sản thừa kế

    Xin chào luật sư. Hiện nay tôi có vấn đề liên quan đến tranh chấp đất đai muốn được luật sư tư vấn. Nội dung vụ việc nhà tôi như sau:

  • Đầu tư nước ngoài
  • Đầu tư nước ngoài

    Xin chào luật sư, tôi muốn được hướng dẫn thủ tục hồ sơ pháp lý để chuyển tiền ra nước ngoài nhắm mua cổ phần công ty sau đó làm chủ sở hữu công ty.