ĐIỀU KIỆN BẢO HỘ NHÃN HIỆU
Nhãn hiệu là các dấu hiệu bên ngoài của sản phẩm. Nó là yếu tố mà người tiêu dùng nhớ đến đầu tiên khi nhắc đến sản phẩm. Việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu rất quan trọng để bảo vệ, hạn chế các tranh chấp xảy ra, tạo niềm tin cho khách hàng đối với doanh nghiệp. Để việc bảo hộ nhãn hiệu đạt hiệu quả cao thì câu hỏi được đặt ra nhiều nhất là làm gì trước khi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu?
Trước khi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, cần xem xét nhãn hiệu dự định đăng ký đã đáp ứng điều kiện bảo hộ hay chưa
Theo Luật sở hữu trí tuệ thì Nhãn hiệu được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc;
- Có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác.
Cần nắm được các trường hợp nhãn hiệu bị từ chối đăng ký:
- Nhãn hiệu sẽ bị từ chối đăng ký nếu không có khả năng thực hiện chức năng phân biệt của Nhãn hiệu.
- Nhãn hiệu sẽ bị từ chối đăng ký nếu đã thuộc quyền của người khác; Trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đã được đăng ký hoặc nộp đơn đăng ký sớm hơn, hoặc được coi là nổi tiếng hoặc được thừa nhận rộng rãi; Trùng hoặc tương tự với những đối tượng đã thuộc quyền của người khác, gồm tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp, quyền tác giả. Trùng với tên riêng, biểu tượng, hình ảnh của quốc gia, địa phương, danh nhân, tổ chức của Việt Nam và nước ngoài (trừ trường hợp được phép của các cơ quan hoặc cá nhân có thẩm quyền).
Người nộp đơn có thể tự tra cứu thông tin về các nhãn hiệu đã có chủ sở hữu hoặc đã được nộp đơn đăng ký từ các nguồn sau đây:
– Công báo Sở hữu công nghiệp do Cục Sở hữu trí tuệ phát hành hàng tháng;
– Đăng bạ quốc gia và Đăng bạ quốc tế về nhãn hiệu;
– Cơ sở dữ liệu điện tử về nhãn hiệu công bố trên mạng Internet;
– Người nộp đơn cũng có thể sử dụng dịch vụ tra cứu thông tin của Cục Sở hữu trí tuệ.
-HT-