NHỮNG BẤT CẬP CÒN TỒN TẠI TRONG VIỆC QUY ĐỊNH VỀ BIỆN PHÁP TẠM GIỮ TRONG BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ ( BLTTHS) 2003
Tuy BLTTHS 2003 đã có sửa đổi bổ sung rất nhiều so với BLTTHS 1988, và đã có sự chặt chẽ hơn. Tuy nhiên thực tiễn áp dụng các quy định về biện pháp tạm giữ vẫn còn nhỉều bất cập, đã gây không ít khó khăn cho những hoạt động áp dụng các quy định trên.
1. Về đối tượng bị áp dụng đối với biện pháp tạm giữ
Theo quy định tại khoản 1 Điều 86 BLTTHS 2003 thì tạm giữ có thể áp dụng đối với người phạm tội tự thú, đầu thú. Tuy nhiên, người phạm tội tự thú, đầu thú không phải là người phạm tội vì bị bắt mà họ tự nguyện trình diện khai báo hành vi phạm tội. Họ không phải là người bị bắt. Chính vì vậy, việc khoản 1 Điều 86 quy định “Tạm giữ có thể áp dụng đối với người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc người bị bắt theo quyết định truy nã”. Vô hình chung đã coi người phạm tội tự thú, đầu thú là người bị bắt, điều này là không hợp lý.
2. Về thẩm quyền ra lệnh tạm giữ
Theo khoản 2, Điều 86 BLTTHS 2003 quy định “những người có quyền ra lệnh bắt khẩn cấp quy định tại khoản 2, Điều 81 của bộ luật này. Chỉ huy trưởng vùng cảnh sát biển có quyền ra lệnh tạm giữ”
Việc điều luật quy đinh bổ sung thêm thẩm quyền ra lệnh tạm giữ cho Chỉ huy trưởng vùng cảnh sát biển. Điều này là hoàn toàn hợp lý. Xuất phát từ đặc thù công việc và địa bàn hoạt động vì thế lực lượng cảnh sát biển trong một số trường hợp được giao thẩm quyền điều tra thì Thủ trưởng vùng cảnh sát biển có quyền ra lệnh tạm giữ. Tuy nhiên, hiện tại pháp luật chưa có quy định cụ thể về việc Chỉ huy trưởng vùng cảnh sát biển có thẩm quyền quyết định tạm giữ trong những trường hợp nào? Với những đối tượng nào? Chính vì vậy, về lý luận cũng như trong thực tế áp dụng còn vướng mắc, cần sự quy định rõ ràng.
3. Về thời hạn tạm giữ
Theo khoản 1 Điều 87 BLTTHS 2003 quy định “thời hạn tạm giữ không được quá ba ngày, kể từ khi cơ quan điều tra nhận người bị bắt”.
Để đạt được mục tiêu của tạm giữ, thời điểm tính thời hạn tạm giữ không phải là thời điểm bắt người. Mặt khác, để hạn chế việc giữ người trái pháp luật thì thời điểm tính thời hạn tạm giữ cũng không được tính từ khi ra lệnh tạm giữ mà được tính từ khi cơ quan điều tra nhận người bị bắt. Tuy nhiên, trong thực tế áp dụng thì việc quy định như trên vẫn còn nhiều vướng mắc.
Thứ nhất: Theo quy định tại khoản 1 Điều 87 BLTTHS thì thời hạn tạm giữ được tính từ khi cơ quan điều tra nhận người bị bắt. Mà theo quy định tại khoản 1 Điều 86 BLTTHS thì tạm giữ có thể áp dụng đối với người phạm tội tự thú, đầu thú. Và như chúng ta đã biết người phạm tội tự thú đầu thú không phải là người bị bắt mà họ tự nguyện trình diện, khai báo hành vi phạm tội. Họ không phải là người bị bắt. Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là : thời hạn tạm giữ đối với họ được tính từ thời điểm nào? Điều này chưa được pháp luật quy định.
Thứ hai: Theo quy định tại khoản 1 Điều 87 BLTTHS thì thời hạn tạm giữ không được quá ba ngày. Vậy câu hỏi đặt ra là từ “ngày” trong cụm từ “ba ngày” được hiểu như thế nào? Có bao gồm cả ngày và đêm là 24 giờ hay chỉ là 12 giờ? Điều luật này chưa có quy định rõ , cần có sự quy định rõ ràng hơn.
Thứ ba: Theo quy định tại khoản 1 Điều 87 BLTTHS thì thời hạn tạm giữ không được quá ba ngày kể từ ngày cơ quan điều tra nhận người bị bắt. Điều này có nghĩa là thời điểm tạm giữ được tính từ ngày cơ quan điều tra nhận người bị bắt. Mà theo quy định tại điểm C, Điều 81 BLTTHS thì; Người chỉ huy tàu bay, tàu biển khi tàu bay, tàu biển đã rời sân bay, bến cảng mới có quyền ra lệnh bắt trong trường hợp khần cấp, và có quyền ra quyết định tạm giữ theo khoản 2 Điều 86 BLTTHS. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là : Trong trường hợp tàu bay thì có thể kịp thời hạn để giao hạn để giao người bị tạm giữ cho cơ quan điều tra, nhưng trong một số trường hợp tàu biển thì khó có thể về kịp thời hạn để giao người bị tạm giữ cho cơ quan điều tra. Vậy trong trường hợp này thời hạn tạm giữ sẽ được tính như thế nào? Điều này chưa được luật quy định.
4. Về gia hạn tạm giữ
Theo khoản 2 Điều 87 BLTTHS quy định: “ trường hợp cần thiết, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ nhưng không được quá 3 ngày; trong trường hợp đặc biệt, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ hai lấn nhưn không được quá 3 ngày…”
Quy định này sẽ giúp cho người hoạt động điều tra có hiệu quả hơn. Tuy nhiên luật cần nêu rõ: Trong trường hợp cần thiết đề ra quyết định tạm giữ là những trường hợp nào? Mức độ cụ thể ra sao? Do luật chưa có quy định rõ điều này nên trong thực tiễn áp dụng có thể dẫn tới sự áp dụng không thống nhất quy đinh nảy trong việc gia hạn tạm giữ.
Mặt khác cần quy định rõ hơn “trong trường hợp đặc biệt, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ hai lần nhưng không được quá ba ngày” . Nếu quy định như trên thì nên hiểu “hai lần” mỗi lần không được quá ba ngày hay nên hiều “hai lần” nhưng tổng thời gian hai lần đó là không quá ba ngày? Trong thực tế sẽ có nhỉều người hiểu sai lệch quy định của luật. Do vậy chúng ta cần có quy định rõ hơn.
5. Việc trả tự do cho người bị tạm giữ
Theo khoản 3 Điều 87 BLTTHS 2003 quy định: “trong khi tạm giữ, nếu không đủ căn cứ khởi tố bị can thì phải trả tự do cho người bị tạm giữ.”
Việc luật quy định trả tự do ngay cho người bị tạm giữ nếu không có đủ căn cứ khởi tố bị can là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên luật lại không quy định về thẩm quyền trả tự do và thủ tục trả tự do cho người bị tạm giữ. Do đó đặt ra câu hỏi là: trong trường hợp người phải trả tự do cho người bị tạm giam thì ai có thẩm quyền trả tự do cho họ? Phải chăng là những người có thẩm quyền ra lệnh bắt tạm giữ theo khoản 2 Điều 86 thì cũng là người có thẩm quyền ra lệnh trả tự do cho người tạm giữ hay là một chủ thể khác. Và thủ tục trả tự do luật cần có quy định rõ.
BLTTHS 2015 sẽ thay thế cho BLTTHS 2003, và có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm 2016.
_HT_