NHỮNG ĐIỂM BẤT CẬP TRONG QUY ĐỊNH VỀ NHÓM CÔNG TY
Pháp luật luôn luôn phải đảm bảo phù hợp với thực tiễn, không chỉ dừng lại ở việc không trái với thực tiễn, mà còn phải đảm bảo bao quát các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn. Tuy nhiên, có những vấn đề tại một thời điểm là hợp lý, song trải qua quá trình vận động, thay đổi của hiện thực khách quan thì không còn phù hợp với các quy định ràng buộc trong pháp luật. Các quy định tại Luật Doanh nghiệp 2014 cũng không phải là ngoại lệ. Qua quá trình triển khai áp dụng, đến nay, một số quy định về Nhóm công ty trong pháp luật doanh nghiệp hiện hành đã trở nên bất cập và đặt ra yêu cầu sửa đổi.
1. Bất cập về việc thiếu đồng bộ giữa tên chương và các nội dung điều khoản trong chương Nhóm công ty
Chương VIII của Luật Doanh nghiệp 2014 quy định về Nhóm công ty, tuy nhiên, trong các điều khoản của chương này hầu như không đề cập đến cụm từ “Nhóm công ty”. Thay vào đó, cụm từ thông dụng được sử dụng trong các quy định là “Tập đoàn kinh tế” và “Tổng công ty”. Điều này dẫn đến một câu hỏi là liệu ba cụm từ trên có đồng nghĩa với nhau hay không, có thể thay thế cho nhau trong mọi trường hợp hay không? Trên thực tế, các quy định này không hoàn toàn trùng khớp với nhau về ý nghĩa.
Trong các quy định pháp luật, chưa có một khái niệm cụ thể nào về Nhóm công ty, đồng thời cũng không có sự phân loại cái loại hình nhóm công ty. Như vậy, cần thiết phải có sự quy định một cách rõ ràng, để đảm bảo sự phù hợp giữa tên một chương với các nội dung quy định pháp luật trong chương đó.
2. Bất cập trong quy định về Tập đoàn kinh tế và Tổng công ty
Tại quy định tại Điều 188 Luật Doanh nghiệp, Tập đoàn kinh tế và Tổng công ty cùng xuất hiện trong những khái niệm chung chung, với những đặc điểm chung cho cả hai loại hình này. Không có điều khoản nào phân biệt về hai loại hình này, từ đó dẫn đến những bất cập trong việc xác định đâu là Tập đoàn kinh tế và đâu là Nhóm công ty.
Đồng thời, tại khoản 1 Điều 188 quy định như sau: “Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty thuộc các thành phần kinh tế là nhóm công ty có mối quan hệ với nhau thông qua sở hữu cổ phần, phần vốn góp hoặc liên kết khác...”
Quy định này dẫn đến những cách hiểu sai lệch về bản chất của Tập đoàn kinh tế, Nhóm công ty, cụ thể là trong Tập đoàn kinh tế và Nhóm công ty, mối quan hệ thông qua sử hữu cổ phần, phần vốn góp giữa các doanh nghiệp là quan hệ một chiều. Như vậy không có mối quan hệ sở hữu chéo, tức là đồng thời doanh nghiệp A sở hữu cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp A và doanh nghiệp B cũng sở hữu cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp A.
3. Bất cập trong quy định về công ty mẹ và công ty con
Trong các quy định về công ty mẹ và công ty con, Luật Doanh nghiệp 2014 tồn tại một số bất cập như:
Thứ nhất, quy định về điều kiện trở thành công ty mẹ không rõ ràng
Tại khoản 1 Điều 189 quy định một công ty được coi là công ty mẹ của công ty khác nếu thuộc một trong các trường hợp: Sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần phổ thông của công ty đó; Có quyền trực tiếp hoặc gián tiếp quyết định bổ nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của công ty đó; có quyền quyết định việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ của công ty đó.
Điều khoản này dễ gây nhầm lẫn giữa điều kiện trở thành công ty mẹ với những quyền lợi của công ty mẹ đối với công ty con. Trong khi điều kiện đầu là điều kiện về tỷ lệ sở hữu giữa các công ty thì hai điều kiện còn lại là quyền của doanh nghiệp này đối với doanh nghiệp kia.
Thứ hai, quy định về vấn đề sở hữu chéo trong nhóm công ty chưa rõ ràng
Tại khoản 2 Điều 189 quy định: “Công ty con không được đầu tư góp vốn, mua cổ phần của công ty mẹ. Các công ty con của cùng một công ty mẹ không được cùng nhau góp vốn, mua cổ phần để sở hữu chéo lẫn nhau.”
Như vậy, luật chỉ liệt kê hai trường hợp sở hữu chéo trực tiếp là việc sở hữu chéo giữa công ty mẹ và công ty con; việc sở hữu chéo giữa các công ty con cùng công ty mẹ. Vậy những trường hợp sở hữu gián tiếp khác thì sẽ được điều chỉnh như thế nào?
Ngoài các bất cập nêu trên, các quy định về Nhóm công ty khác cũng cần thiết được xem xét và điều chỉnh sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.
4. Liên hệ tư vấn:
Công ty Luật Hải Nguyễn với đội ngũ Luật sư uy tín và giàu kinh nghiệm, chuyên cung cấp các dịch vụ tư vấn pháp lý về CÔNG CHỨNG, ĐẤT ĐAI, DOANH NGHIỆP, SỞ HỮU TRÍ TUỆ,…
Mọi thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:
Công ty Luật Hải Nguyễn và Cộng sự
Hotline: 0973 509 636 (Ls. Hải ) & 0989422798 (Ls. An)
Email: lamchuphapluat@gmail.com
-HP-