SAY RƯỢU - CÓ PHẢI TÌNH TIẾT GIẢM NHẸ?
"Không chấp thằng say rượu" là câu nói cửa miệng của người Việt mỗi khi chịu sự tác động của những hành vi không đúng mực do người say rượu gây ra. Đáng buồn khi say rượu bia đã trở thành một cái cớ để mỗi người làm càn, làm bậy và nhận được sự thông cảm của đa số người dân.
Nhưng pháp luật không thông cảm. Điều 14, BLHS 1999 quy định: "Điều 14. Phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu hoặc chất kích thích mạnh khác
Người phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự." Thậm chí, một số trường hợp phạm tội khi đang say rượu lại được coi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự khi phạm tội theo Điều 202, BLHS 1999.
Có nhiều người sẽ cảm thấy khó chịu và cho rằng những quy định trên là trái với thông lệ trong xã hội. Nhưng thực sự, những quy định đó lại hợp lý vì những lẽ sau:
Thứ nhất, mỗi người phải tự chịu trách nhiệm về những gì bản thân làm. Chính người say rượu chắc chắn biết rằng khi say thì sẽ thiếu tỉnh táo và dẫn đến làm những việc sai trái nhưng họ vẫn uống và để bản thân rơi vào tình trạng mất khả năng/hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Họ phải chịu trách nhiệm về sự thiếu trách nhiệm đó
Thứ hai, chỉ đối với trường hợp do bệnh tật thì mới được hưởng tình tiết giảm nhẹ hoặc không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Thứ ba, quy định trên nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế về hạn chế rượu bia và chất kích thích.
Vì vậy, mong quý độc giả luôn cố gắng hạn chế rượu bia và không bao giờ ảo tưởng rằng rượu bia là một tình tiết giảm nhẹ khi phạm tội.
-ĐP-