THỰC PHẨM BẨN- TỘI PHẠM THẦM LẶNG
I. Cơ sở pháp lý
• Luật an toàn thực phẩm 2010.
• Nghị định 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật an toàn thực phẩm.
• Nghị định 178/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.
II. Thực tế quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm
1. Thực trạng vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay
Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) là một trong những vấn đề mà hiện nay đang được toàn xã hội quan tâm. Sử dụng các loại thực phẩm là nhu cầu thiết yếu mỗi chúng ta. Tuy nhiên, vì những lợi ích về kinh tế trước mắt mà những thương lái, một số công ty kinh doanh thực phẩm đã sử dụng các chất cấm, phẩm màu, thuốc bảo quản… để tạo ra lợi ích bất chính cho mình.
Với nhu cầu sử dụng thực phẩm ngày càng cao của con người thì vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm càng trở nên báo động hơn bao giờ hết.
Thực phẩm bẩn là tác nhân chính dẫn đến ngộ độc thực phẩm và các căn bệnh đặc biệt nguy hiểm từ tiêu chảy cấp đến Ung thư. Việt Nam cũng là một trong những nước có số lượng người mắc bệnh Ung thư nhiều nhất thế giới và nguyên nhân chính là thực phẩm ăn hàng ngày của con người. Theo số liệu 9/12/2015 của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) công bố, trung bình mỗi năm có khoảng 170 vụ ngộ độc thực phẩm với gần 7 nghìn người trúng độc và 37 người chết.
Hiện nay, những người trồng rau vẫn hay sử dụng bừa bãi các hoá chất bảo vệ thực vật như các loại thuốc cấm, thuốc có độ độc cao, thuốc ngoài danh mục được phép sử dụng để phun trừ các loại sâu bệnh trên các loại rau quả, tiêm thuốc kích thích cho quả mau chín, ngâm ủ giá đỗ bằng các hóa chất tăng trưởng độc hại… Đó chính là nguyên nhân làm phát sinh các bệnh cấp tính, là mầm mống gây ra nhiều loại bệnh đặc biệt nguy hiểm.
Các thực phẩm từ gia súc, gia cầm như: lợn, bò, gà, vịt… những người chăn nuôi cũng sử dụng những loại cám tăng trọng không rõ nguồn gốc để kích thích tăng trưởng, thậm chí những người kinh doanh thực phẩm còn sử dụng nhiều loại chất tẩy rửa thịt cá ôi thối để che mắt khách hàng…
Trong năm 2016 vừa qua đã có rất nhiều các vụ việc về thực phẩm bẩn được cơ quan chức năng đưa ra ánh sáng khiến dư luận vô cùng hoang mang và bức xúc: heo nái biến thành thịt lợn rừng, Phát hiện hơn 2 tấn thịt heo hôi thối chuẩn bị ra chợ bán ( được phát hiện bởi đội quản lý thị trường Đồng Nai), đoàn kiểm tra liên ngành huyện Bình Chánh bất ngờ kiểm tra phát hiện gần 750kg chà bông bẩn được chế biến từ thịt gà thối trộn với hóa chất Trung Quốc tại xưởng chà bông ở tổ 6, ấp 3, xã Vĩnh Lộc A, phát hiện 43 tấn măng ngâm hóa chất để hai năm không hư ở Q.12… Theo số liệu thống kê chỉ riêng quý I năm 2016 đã phát hiện và xử lý 4076 vụ vi phạm thực phẩm bẩn. Những số liệu trên chính là hồi chuông cảnh tỉnh cho chúng ta về vấn nạn thực phẩm bẩn hiện nay.
2. Một số lỗ hổng trong quy định của pháp luật về vệ sinh thực phẩm
Có thể nói đã có rất nhiều các văn bản quy phạm pháp luật quy định về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó Luật an toàn thực phẩm 2010 đã được ban hành và có hiệu lực thi hành từ 1/7/2011 để quy định về quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân trong đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và các điều kiện an toàn đối với thực phẩm, sản xuất, kinh doanh thực phẩm…Cùng với đó là những văn bản dưới luật khác như : Nghị định 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật an toàn thực phẩm, Nghị định 178/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm …và rất nhiều thông tư do các Bộ ban hành quy định về vấn đề trên. Tuy nhiên tình trạng thực phẩm bẩn vẫn diễn ra ngày càng tràn lan và phổ biến. Điều đó chứng tỏ quy định của pháp luật vẫn còn những bất cập nhất định. Chúng ta có thể kể đến một số những lỗ hổng tiêu biểu như sau:
Thứ nhất, một số địa phương chưa quan tâm và thiếu tập trung trong quản lý ATTP, chậm phát hiện và không kịp thời xử lý các vụ việc vi phạm, hầu hết các vụ vi phạm là do báo chí và các cơ quan chức năng của Trung ương phát hiện; rất ít vụ vi phạm do địa phương phát hiện. Nhiều Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP tại địa phương (được tổ chức tại cấp tỉnh, cấp huyện) hoạt động chưa hiệu quả.
Thứ hai, vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay do các Bộ y tế, Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp quản lý. Tuy nhiên, thời gian qua việc chồng chéo thẩm quyền giữa ba bộ vẫn diễn ra. Đơn của như việc sản xuất một chiếc bánh trung thu sẽ do ba bộ quản lý: Nguyên liệu làm bánh do Bộ NN&PTNT phụ trách; bao bì, giá cả do Bộ Công Thương “quản”, điều kiện ATTP sẽ do Bộ Y tế “nắm”. vậy mà trên thực tế nhiều vụ việc bánh Trung thu hết hạn, không đảm bảo chất lượng vẫn tuồn ra thị trường, gây hoang mang cho người tiêu dùng. Thử hỏi việc quy định nhiều bộ quản lý như vậy có thực sự hiệu quả không hay đa phần chỉ là sự khó khăn, chồng lấn thẩm quyền, khó phối hợp của ba bộ trong việc quản lý?
Thứ ba, quá trình cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, cơ sở đủ điều kiện kinh doanh thực phẩm diễn ra vẫn còn lỏng lẻo, rất nhiều cơ sở sản xuất thực phẩm bẩn , không rõ nguồn gốc xuất xứ ấy vậy mà không hiểu sao vẫn được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm và ngang nhiên tiêu thụ số thực phẩm đó ra thị trường tiêu thụ để kiếm lợi.
Thứ tư, chưa có cơ chế tài chính phù hợp giải quyết kinh phí, ngay cả kinh phí kiểm nghiệm thực phẩm, xử lý, tiêu hủy thực phẩm không an toàn. Lực lượng kiểm tra còn hạn chế về số lượng và chất lượng, thiếu nhiều trang thiết bị kỹ thuật. các lực lượng chức năng đang gặp không ít khó khăn trong việc áp dụng luật xử lý vi phạm hành chính, như: Hạn chế thẩm quyền áp dụng; định giá, xử lý hàng tịch thu; xử lý hành vi vi phạm của người vận chuyển hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ... Đặc biệt là việc xử lý vi phạm đối với hàng hoá thuộc diện phải kiểm tra nhà nước về chất lượng VSATTP. Hầu hết các đơn vị trực thuộc Cục Hải quan tỉnh thường đóng trên địa bàn biên giới, cách xa các trung tâm kiểm tra nhà nước về chất lượng VSATTP; chi phí cho việc kiểm tra lớn (1,5 triệu đồng/mẫu); một vụ việc thường có nhiều mặt hàng nên đã ảnh hưởng đến việc đảm bảo thời gian xử lý vi phạm. Trong khi đó, theo khoản 3 điều 60 của Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định, thời hạn tạm giữ để xác định giá trị không quá 24 giờ, kể từ thời điểm ra quyết định tạm giữ. Không chỉ nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý chất lượng VSATTP còn những bất cập, mà các lực lượng cũng đang gặp khó khăn về nhân lực, kinh phí, phương tiện.
Thứ năm, chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe, ngăn ngừa vi phạm. Việc xử lý vi phạm chưa nghiêm minh, chưa chú ý xem xét xử lý trách nhiệm của cán bộ, công chức.
Thứ sáu, chưa phát huy được vai trò các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội, công luận và người dân tham gia giám sát bảo đảm ATTP và đấu tranh với các hành vi vi phạm, nhất là tại cơ sở.
Thứ bảy, công tác truyền thông về thực phẩm an toàn và không an toàn còn hạn chế. Trong tuyên truyền còn nặng về các nội dung tiêu cực, chưa có nhiều thông tin về thực phẩm an toàn dẫn đến tâm lý lo lắng, hoang mang trong nhân dân…
Thứ tám, hiện tại, vẫn còn rất nhiều vấn đề nổi cộm cần được quan tâm xử lý để giải quyết dứt điểm như vấn đề sử dụng salbutamol, vàng ô, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục, quản lý tại các chợ, nhập khẩu rượu giả, kinh doanh thực phẩm chức năng, nhiều cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu quy chuẩn kỹ thuật về bảo đảm vệ sinh ATTP…
3. Hướng giải quyết khắc phục tình trạng thực phẩm bẩn hiện nay
Một là, đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhất là của chính quyền địa phương:
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm toàn diện về ATTP trên địa bàn; ưu tiên bố trí đủ nguồn lực cho công tác này; xác định việc bảo đảm ATTP là một tiêu chí xây dựng nông thôn mới, khu dân cư văn hóa.
Bộ trưởng các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh, kiểm tra đột xuất về ATTP đối với ngành hàng được phân công, xử lý theo thẩm quyền và kiến nghị xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân vi phạm và các cơ quan, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý ATTP.
Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ, công an các địa phương nắm chắc tình hình các tuyến, địa bàn trọng điểm về vi phạm ATTP, điều tra, khởi tố một số vụ án điểm trong lĩnh vực ATTP theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Hai là, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thực hiện ATTP:
Các cơ quan báo chí tăng cường các bài viết, chuyên mục về ATTP; tăng cường đưa tin, tuyên truyền khách quan, trung thực, kịp thời về thực phẩm an toàn, nhất là các điển hình sản xuất, chế biến, lưu thông thực phẩm an toàn và các vụ việc vi phạm ATTP.
Ba là, phát huy vai trò của nhân dân trong việc đấu tranh, phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm quy định về bảo đảm ATTP:
Các bộ, ngành, chính quyền các cấp thực hiện hiệu quả Chương trình phối hợp vận động và giám sát bảo đảm ATTP giữa Chính phủ và Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tập trung thực hiện tại một số địa bàn trọng điểm và địa phương theo sự thống nhất với Mặt trận Tổ quốc.
Các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Công an cùng Bộ đội biên phòng và các địa phương có cơ chế phù hợp (như đường dây nóng) để tiếp nhận phản ánh của nhân dân, báo chí về vi phạm ATTP và xử lý nghiêm, kịp thời; có hình thức tôn vinh, khen thưởng đối với cá nhân phát hiện và cung cấp thông tin về sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn.
Bốn là, tập trung chỉ đạo, tạo chuyển biến rõ nét một số vấn đề sau đây:
Việc nhập khẩu, sản xuất, sử dụng các chất, thuốc trong quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm; tập trung xử lý dứt điểm việc sử dụng salbutamol, vàng ô, kháng sinh trong sản xuất, chế biến thực phẩm.
Bộ Y tế siết chặt quản lý việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm chức năng, bảo đảm vệ sinh an toàn, vệ sinh trong ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp.
Bộ Công thương siết chặt quản lý việc ngăn chặn nhập lậu rượu giả, nước giải khát không truy xuất được nguồn gốc.
UBND tập trung kiểm tra, xử lý dứt điểm các điểm nóng về an toàn thực phẩm đang được dư luận và xã hội quan tâm trên địa bàn.
Năm là, chế tài xử lý hình sự cần phải được áp dụng một cách mạnh tay hơn nữa đối với tội phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm
Thực phẩm bẩn tràn lan nhưng trong giai đoạn 2011-2016 tức 5 năm chỉ khởi tố hình sự 1 vụ.
Tại Điều 317 BLHS 2015 có quy định về tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm với mức tù cao nhất là 20 năm, tuy nhiên theo đánh giá của rất nhiều luật sư và chuyên gia trong nghành thì đây là mức phạt quá nhẹ đối với những trường hợp gây hậu quả hàng loạt “giết người không giao”; mặt khác còn rất khó kết tội người bán thực phẩm bẩn bởi lý do:
(i) Về mặt tố tụng: Phần lớn những người tiêu dùng không biết hoặc họ cam chịu nên không tố giác người có hành vi phạm tội. Các phương tiện thông tin đại chúng đã phát hiện và đăng tải nhiều vụ việc nhưng vẫn chưa phản ánh được hết các hành vi của tội danh này trên thực tiễn. Nguyên nhân quan trọng nữa là các cơ quan điều tra có thẩm quyền chưa xử lý tin báo tội phạm một cách kịp thời để khởi tố và điều tra vụ án hình sự khi có tin.
(ii) Về mặt luật nội dung: Bộ luật Hình sự 1999 quy định hành vi khách quan của tội phạm là phải biết rõ thực phẩm không vệ sinh an toàn... mới bị xử lý hình sự đã dẫn đến không xử lý được nhiều hành vi phạm tội. Lý do bởi các cơ quan tiến hành tố tụng không chứng minh được người bị nghi phạm tội có biết là họ vi phạm pháp luật hay không.
BLHS 2015 hiện nay vẫn chưa có hiệu lực và đang trong thời gian tạm hoãn thi hành vô thời hạn vì những bất cập, thiếu sót. Và theo như tác giả đây cũng là một trong những bất cấp của Bộ luật cần được xét xét để sửa đổi theo hướng nghiêm minh hơn, sưc răn đe mạnh hơn. Có như vậy thì tình trạng thực phẩm bẩn trôi nổi trên thị trường mới có một lối thoát.
Mọi thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:
Công ty Luật Hải Nguyễn và Cộng sự
Địa chỉ: Phòng 12A- Chung cư Viện Chiến Lược Bộ Công An, Đường Nguyễn Chánh, Cầu Giấy, Hà Nội.
Hotline: 0973 509 636 (Ls. Hải ) & 0989422798 (Ls. An)
Email: lamchuphapluat@gmail.com