GIÀNH QUYỀN NUÔI CON KHI LY HÔN
Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ hôn nhân giữa vợ và chồng. Về mặt pháp lý, quan hệ hôn nhân chấm dứt kể từ thời điểm quyết định của Tòa án có hiệu lực. Quan hệ hôn nhân chấm dứt kéo theo các vấn đề về tài sản, con chung cũng phải phân chia. Đối với con, cha mẹ ly hôn ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý, sức khỏe, đời sống sinh hoạt, giáo dục, tương lai…. của con. Vì vậy, để đảm bảo cho trẻ con được nuôi dưỡng và phát triển bình thường, pháp luật quy định cụ thể về quyền trực tiếp nuôi dưỡng con của cha, mẹ khi quan hệ hôn nhân chấm dứt.
Đối với con chưa thành niên, con mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động chúng không có tài sản để tự nuôi mình. Do đó, để đảm bảo cuộc sống cho con, pháp luật quy định rằng cha mẹ sau khi ly hôn vẫn có quyền và nghĩa vụ chăm sóc con, người không trực tiếp nuôi dưỡng con có quyền đến thăm con, thực hiện quyền của cha mẹ và có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con : “Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan” (Khoản 1 Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014).
Khi ly hôn, việc quyết định ai là người trực tiếp nuôi con trước tiên sẽ do cha mẹ thỏa thuận và quyết định, nếu cha mẹ không thống nhất được quyền nuôi con thì sẽ do Tòa án quyết định và nguyện vọng của con:
“Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con”.

1. Cha mẹ thỏa thuận quyền nuôi con
Cha mẹ chính là người nắm rõ tình hình của con, điều kiện về thời gian, tài chính, cuộc sống của bản thân và các yếu tố khác để có thể chăm sóc cho con. Đồng thời, dựa trên cơ sở tôn trọng quyền tự định đoạt của cha mẹ, pháp luật quy định quyền nuôi con trực tiếp khi cha mẹ ly hôn sẽ tuân theo sự thỏa thuận của cha, mẹ. Đối với con dưới 36 tháng tuổi, cha mẹ cũng có thể thỏa thuận về quyền trực tiếp nuôi con.
Sau khi Tòa án đã có quyết định quyền nuôi con thuộc về một bên cha hoặc mẹ thì cha mẹ vẫn có thể quyền thỏa thuận với nhau về quyền trực tiếp nuôi con và quyền nuôi con trực tiếp sẽ thay đổi theo sự thỏa thuận đó.
2. Tòa án quyết định quyền nuôi con
2.1. Con dưới 36 tháng tuổi
Khoản 3 Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định: “Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con”.
Pháp luật quy định con dưới 36 tháng tuổi thì quyền nuôi con trực tiếp thuộc về người mẹ. Tòa án có thể quyết định việc cho người cha nuôi con trực tiếp nếu người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Vì vậy, đối với con dưới 36 tháng tuổi, người cha muốn giành quyền nuôi con thì cha phải chứng minh người mẹ không đủ điều kiện về thời gian, tài chính, sức khỏe, giáo dục để có thể chăm sóc con nhỏ.
2.2. Con trên 7 tuổi
Trường hợp con trên 7 tuổi, việc quyết định người trực tiếp nuôi con khi cha mẹ không thỏa thuận được do Tòa án quyết định. Tòa án hoàn toàn quyết định dựa trên điều kiện thực tế của người có khả năng trực tiếp nuôi dưỡng con tốt hơn. Vì vậy, cha hoặc mẹ muốn giành quyền nuôi con thì phải chứng minh điều kiện của bản thân sẽ có khả năng nuôi dưỡng, chăm sóc con, giáo dục con, tạo cho con môi trường sống, môi trường học tập tốt hơn. Ví dụ như trường hợp cha và mẹ đều có đủ khả năng tài chính để nuôi con nhưng cha thường xuyên hay đi công tác, làm việc xa nhà, khó có thể giành thời gian để chăm sóc, quan tâm con, còn người mẹ làm giáo viên, tuy tài chính không được tốt như người cha nhưng có thời gian và điều kiện về giáo dục, kiến thức và tâm lý tốt cho con thì Tòa án sẽ quyết định việc nuôi con thuộc về người mẹ.
Ngoài ra, nguyện vọng của con cũng là một yếu tố để Tòa án xem xét. Tuy nhiên, nếu nguyện vọng của con được cha hoặc mẹ nuôi dưỡng nhưng Tòa án xét thấy cha hoặc mẹ không đủ điều kiện để nuôi dưỡng con thì Tòa án sẽ căn cứ vào điều kiện thực tế để quyết định, về cha mẹ muốn giành quyền nuôi con thì chứng minh điều kiện của bản thân hơn và điều kiện của người kia thiếu sót vấn đề nào đó để hoàn toàn có thể chăm sóc con tốt.
3. Giành lại quyền nuôi con
Cha hoặc mẹ muốn giành lại quyền nuôi con sau khi có quyết định của Tòa án về người trực tiếp nuôi dưỡng con thì cha, mẹ có thể giành quyền nuôi con khi có 1 trong 2 căn cứ theo Khoản 2 Điều 84 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn:
- Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
- Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Tương tự như việc giành quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi, cha hoặc mẹ muốn giành quyền nuôi con trực tiếp thì phải chứng minh việc người kia không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con và xem xét nguyện vọng của con nếu con trên 7 tuổi.
Đặc biệt, nếu cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện không đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì con sẽ do người giám hộ nuôi.
LIÊN HỆ TƯ VẤN TRỰC TIẾP
Công ty Luật Hải Nguyễn với đội ngũ Luật sư uy tín và giàu kinh nghiệm, chuyên cung cấp các dịch vụ tư vấn pháp lý về CÔNG CHỨNG, ĐẤT ĐAI, DOANH NGHIỆP, SỞ HỮU TRÍ TUỆ,…
Mọi thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:
Công ty Luật Hải Nguyễn và Cộng sự
Hotline: 0973 509 636 (Ls. Hải ) & 0989422798 (Ls. An)
Email: lamchuphapluat@gmail.com