Cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường, nhu cầu nhà ở là vấn đề cấp bách của mỗi người dân. Chính vì vậy, việc chọn mua cho mình nhà ở xã hội là một trong những giải pháp tối ưu đặc biệt với những người có thu nhập thấp.
Để có thể hạn chế được những rủi ro khi chọn mua nhà ở xã hội, luật Đại An Phát xin đi sâu vào phân tích và đưa ra một số lưu ý dưới đây:
I. Cơ sở pháp lý
- Bộ luật Dân sự 2015
- Luật Nhà ở 2014;
- Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội
- Quyết định 355/QĐ-TTg năm 2019 về mữa lãi suất cho vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
II. Luật sư tư vấn
II.1. Điều kiện được mua nhà ở xã hội
Trước tiên, để có thể được mua nhà ở xã hội chúng ta cần phải đáp ứng các điều kiện về nhà ở, về cư trú và thu nhập được quy định tại điều 51 của luật Nhà ở 2014, cụ thể như sau:
- Đối với điều kiện về nhà ở: Các đối tượng mua nhà ở xã hội phải là những người có khó khăn về chỗ ở. Chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, chưa được mua, thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức tại nơi sinh sống, học tập hoặc có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người trong hộ gia đình thấp hơn mức diện tích nhà ở tối thiểu do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ và từng khu vực.
- Điều kiện về cư trú: Phải có đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có nhà ở xã hội; trường hợp không có đăng ký thường trú thì phải có đăng ký tạm trú từ một năm trở lên tại tỉnh, thành phố này.
- Điều kiện về thu nhập: phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.
II.2. Một số lưu ý khi mua nhà ở xã hội.
- Về diện tích và điều kiện chuyển nhượng nhà ở xã hội: Hiện nay loại hình nhà ở xã hội được thiết kế và xây dựng theo mô hình nhà chung cư. Điều 7 Nghị định 100/2015/NĐ-CP quy định nhà ở xã hội là nhà chung cư thì căn hộ phải được thiết kế, xây dựng theo kiểu khép kín, bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn diện tích mỗi căn hộ tối thiểu là 25 m2 sàn, tối đa là 70 m2 sàn, bảo đảm phù hợp với quy hoạch xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên căn cứ vào tình hình cụ thể tại địa phương có thể điều chỉnh tăng tiêu chuẩn diện tích căn hộ tối đa, nhưng mức tăng không quá 10% so với diện tích căn hộ tối đa là 70 m2.

- Về điều kiện chuyển nhượng nhà ở xã hội: Điều 19, Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ yêu cầu đối tượng mua nhà ở xã hội không được phép thế chấp trừ trường hợp thế chấp ngân hàng để mua chính căn hộ đó, không được phép chuyển nhượng nhà ở dưới mọi hình thức tối thiểu trong 5 năm tính từ thời điểm trả hết tiền mua nhà theo hợp đồng đã ký kết. Chỉ được phép bán lại, thế chấp hay cho thuê sau khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, sở hữu nhà ở và các tài sản gắn liền khác. Khi chưa đủ tối thiểu 5 năm như quy định người mua có nhu cầu bán lại thì chỉ được bán lại cho nhà nước, chủ đầu tư hay các đối tượng khác thuộc diện mua nhà ở xã hội nêu trên.
- Về vấn đề vay vốn khi mua nhà ở xã hội: Trong điều 16, Nghị định 100/2015/NĐ-CP có nêu người mua nhà ở xã hội đáp ứng đủ các điều kiện trên sẽ được hỗ trợ vay vốn tối đa 80% giá trị của ngôi nhà tại Ngân hàng chính sách xã hội VN hay các ngân hàng khác với mức lãi suất ưu đãi. Mức lãi suất cho vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội để mua, thuê mua nhà ở xã hội trong năm 2019 là 4,8%/năm theo quy định tại Quyết định 355/QĐ-TTg.
III. Liên hệ tư vấn
Công ty Luật Hải Nguyễn với đội ngũ Luật sư uy tín và giàu kinh nghiệm, chuyên cung cấp các dịch vụ tư vấn pháp lý về CÔNG CHỨNG, ĐẤT ĐAI, DOANH NGHIỆP, SỞ HỮU TRÍ TUỆ,…
Mọi thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:
Công ty Luật Hải Nguyễn và Cộng sự
Hotline: 0973 509 636 (Ls. Hải ) & 0989422798 (Ls. An)
Email: lamchuphapluat@gmail.com