Bổ sung hộ tịch cho công dân Việt Nam

Câu hỏi:
Bạn 'Đoàn Đình Sứng - Email: ' hỏi:

Xin chào luật sư, tôi có một vấn đề muốn tham khảo ý kiến của luật sư.

Theo quy định của Luật hộ tịch 2014 và các văn bản liên quan thì thẩm quyền bổ sung hộ tịch cho công dân Việt Nam cư trú trong nước thuộc UBND xã nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của người có yêu cầu. Song trên thực tế rất nhiều trường hợp UBND xã nơi cư trú của người có yêu cầu không đồng thời là UBND xã nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây nhưng thủ tục hành chính lại quy định khi thực hiện bổ sung hộ tịch thì công chức Tư pháp, hộ tịch phải ghi nội dung bổ sung vào Sổ hộ tịch và giấy tờ liên quan ( Giấy khai sinh, GCN đăng ký kết hôn ...). Trong trường hợp này công chức Tư pháp - Hộ tịch chỉ có thể ghi nội dung bổ sung vào các giấy tờ liên quan mà không thể thực hiện việc ghi nội dung bổ sung vào Sổ hộ tịch được vì sổ hộ tịch gốc chỉ được lưu tại UBND xã nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây và UBND huyện mà thôi. Như vậy sẽ xuất hiện bất cập, bất cập này sẽ không xuất hiện nếu quy định thẩm quyền bổ sung hộ tịch cho công dân Việt Nam cư trú trong nước thuộc UBND xã nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây. Xin Quý Công ty cho ý kiến. Cảm ơn rất nhiều!

Trả lời:

Luật Hải Nguyễn xin trân trọng gửi lời cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi ý kiến tới chúng tôi. Liên quan đến vấn đề của bạn, chúng tôi xin đưa ra quan điểm như sau:

Luật Hộ tịch 2014 mở rộng thẩm quyền đăng ký hộ tịch của các cơ quan đăng ký hộ tịch. Theo đó, người dân có thể đăng ký thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch tại cơ quan đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú. Qua đó có thể thấy việc mở rộng thẩm quyền đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi, giảm thiểu chi phí, thời gian đi lại cho người dân.

Cụ thể về vấn đề đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch được quy định tại khoản 3 điều 28 luật Hộ tịch có quy định: “Trường hợp đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch không phải tại nơi đăng ký hộ tịch trước đây thì Ủy ban nhân dân cấp xã phải thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao trích lục hộ tịch đến Ủy ban nhân dân nơi đăng ký hộ tịch trước đây để ghi vào Sổ hộ tịch…” nên có thể khẳng định các nội dung thay đổi, cải chính vẫn được ghi chú vào Sổ hộ tịch tại nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây.

Tuy nhiên tại điều 29 luật Hộ tịch về thủ tục bổ sung hộ tịch lại không quy định về trách nhiệm thông báo của cơ quan tiến hành bổ sung hộ tịch nên dẫn đến tình trạng các nội dung bổ sung không được ghi vào sổ hộ tịch gốc trong trường hợp công dân lựa chọn UBND cấp xã nơi cư trú để tiến hành bổ sung thông tin hộ tịch.

Theo quan điểm của bạn bất cập này sẽ không xuất hiện nếu quy định thẩm quyền bổ sung hộ tịch cho công dân Việt Nam cư trú trong nước thuộc UBND xã nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây, tuy nhiên nếu quy định như vậy sẽ gây rất nhiều khó khăn cho công dân. Mặt khác sẽ có sự mâu thuẫn về quy định của pháp luật khi công dân có thể lựa chọn cơ quan tiến hành thay đổi, cải chính hộ tịch nhưng bắt buộc phải về nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây khi muốn bổ sung hộ tịch.

Từ những vấn đề trên, quan điểm của chúng tôi đối với thủ tục đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch cũng như thủ tục bổ sung hộ tịch không phải tại nơi đăng ký hộ tịch trước đây thì UBND cấp xã đều phải thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao trích lục hộ tịch đến UBND nơi đăng ký hộ tịch trước đây để ghi vào Sổ hộ tịch. Quy định theo hướng này có thể đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho công dân, tạo sự thống nhất đồng bộ trong các quy định của pháp luật, mặt khác nâng cao trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền liên quan.

Trên đây là ý kiến tư vấn của Luật Hải Nguyễn. Trân trọng!

Xem thêm mục hỏi đáp

  • Tranh chấp di sản thừa kế
  • Tranh chấp di sản thừa kế

    Xin chào luật sư. Hiện nay tôi có vấn đề liên quan đến tranh chấp đất đai muốn được luật sư tư vấn. Nội dung vụ việc nhà tôi như sau:

  • Đầu tư nước ngoài
  • Đầu tư nước ngoài

    Xin chào luật sư, tôi muốn được hướng dẫn thủ tục hồ sơ pháp lý để chuyển tiền ra nước ngoài nhắm mua cổ phần công ty sau đó làm chủ sở hữu công ty.